Giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Hội thảo “Giáo dục STEM trong chương trình phổ thông mới” tổ chức trong ngày 25/7 tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, các nhà quản lí giáo dục và các thầy cô các trường phổ thông.

Định hướng giáo dục STEM trong chương trình mới

Theo PGS.TS Lê Huy Hoàng, thành viên Ban Phát triển CT GDPT Tổng thể, Chủ biên CT môn Công nghệ cho biết, ở cấp độ chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục STEM vừa mang nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, giáo dục STEM đã được chú trọng thông qua các biểu hiện: Chương trình giáo dục phổ thông mới có đầy đủ các môn học STEM. Đó là các môn Toán học; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học.

Vị trí, vai trò của giáo dục tin học và giáo dục công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được nâng cao rõ rệt. Điều này không chỉ thể hiện rõ tư tưởng giáo dục STEM mà còn là sự điều chỉnh kịp thời của giáo dục phổ thông trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Vu Gdtrh 43b 2672017

                          Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia giáo dục, nhà quản lí và các trường phổ thông.

Cũng theo PGS. Hoàng, dự kiến các chủ đề STEM trong chương trình môn học tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản như các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tin học và Công nghệ (ở tiểu học), môn Khoa học tự nhiên (ở trung học cơ sở); Định hướng đổi mới phương pháp giáo dục nêu trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phù hợp với giáo dục STEM ở cấp độ dạy học tích hợp theo chủ đề liên môn, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Ngoài ra, các chuyên đề dạy học về giáo dục STEM ở lớp 11, 12 dự kiến là các hoạt động trải nghiệm dưới hình thức câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, trong đó có các hoạt động nghiên cứu STEM; Tính mở của chương trình cho phép một số nội dung giáo dục STEM có thể được xây dựng thông qua chương trình địa phương, kế hoạch giáo dục nhà trường; qua những chương trình, hoạt động STEM được triển khai, tổ chức thông qua hoạt động xã hội hóa giáo dục.

Đối với chương trình giáo dụ công nghệ trong chương trình mới, cụ thể về định hướng, PGS. Lê Huy Hoàng cho rằng, mục tiêu xây dựng chương trình giáo dục Công nghệ là theo định hướng STEM. Theo đó, sẽ dự kiến xây dựng các chủ đề STEM trong: Mạch Thủ công kỹ thuật (Tiểu học); Mạch Thiết kế kỹ thuật (THCS); Mô đun tự chọn (lớp 9); Mạch Thiết kế và công nghệ (THPT); Cụm chuyên đề học tập tích hợp (HPT).

Tuy nhiên, để triển khai thực tiễn thì theo PGS. Hoàng cần các điều kiện về cơ sở vật chất như Phòng học bộ môn; hình thành hệ thống các không gian sáng chế (Makerspaces); Về con người: Phải được chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy công nghệ; Kết nối các nhà khoa học ở các trường Đại học, Cao đẳng với các hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông.

Trao đổi thêm với các chuyên gia, GS. TSKH Đỗ Đức Thái, thành viên Ban Phát triển CT GDPT tổng thể, Chủ biên CT môn Toán cho biết, khi áp dụng STEM, chúng ta được nhiều thứ.

Thứ nhất, giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và thông qua thực hành, ứng dụng. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Qua đó, học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn.

Thứ hai, giáo dục STEM đề cao đến việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học. Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề  (qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra.

Thứ ba, giáo dục STEM đề cao một phong cách học tập mới cho người học, đó là phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải  hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết.

Các trường học mong muốn gì?

Là đơn vị đào tạo giáo viên, thầy Lê Xuân Quang, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, con đường giáo dục STEM cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có một số lưu ý. Cụ thể, giáo dục STEM thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp cần hướng tới việc cung cấp cho học sinh các tình huống, bối cảnh đa dạng và phong phú đòi hỏi sự phát triển, vận dụng nhiều tri thức kĩ năng, cho phép học sinh tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề theo các cách khác nhau nhằm đạt được kết quả tốt hơn; cung cấp cho học sinh cơ hội sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Giáo dục STEM thông qua dạy học các môn thuộc về lĩnh vực STEM, ở nội dung này tuỳ theo quy mô của chủ đề mà có thể được thiết kế để dạy trong một tiết hoặc nhiều tiết trong đó giáo viên sẽ phân chia thời gian để học sinh tham gia các hoạt động: thiết lập vấn đề; tìm kiếm các giải pháp hay cách thức để giải quyết vấn đề; thu thập thông tin, bằng chứng và cuối cùng là tổng kết, rút ra các kiến thức.

Vu Gdtrh 44b 2672017
GS. TSKH Đỗ Đức Thái tham gia trao đổi tại Hội thảo.

“Với nội dung, kết cấu của chương trình tổng thể có thể thấy giáo dục STEM sẽ có nhiều không gian, thời gian để triển khai. Về bản chất giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là một cách tiếp cận liên ngành trong dạy học các môn Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán nhằm tạo cơ hội cho học sinh kết nối những kiến thức được học với những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Giúp học sinh có thể đưa ra các giải pháp sáng tạo khi có cơ hội áp dụng những kiến thức được học, giúp học snih có những suy nghĩ rộng hơn về những tình huống hay vấn đề nhất định” thầy Quang cho hay.

Theo bà Phạm Thị Minh An, Hiệu trưởng Trường Olympia (Hà Nội), sau 2 năm câu lạc bộ STEM được triển khai tại trường đã mang lại nhiều kết quả tốt. Hoạt động hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học thu được thành quả đáng khích lệ. Năm học 2016-2017 có 10 đề tài tham gia vòng chung kết và tham gia trưng bày, báo cáo sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực STEM.

“Qua những năm đầu triển khai, đội ngũ giáo viên của trường đã tích lũy ít nhiều kinh nghiệm về dạy học theo định hướng STEM. Song song với đó, các giáo viên cũng rất tích cực chia sẻ kinh nghiệm và tập huấn lẫn nhau để nâng cao năng lực và nhân rộng các hoạt động này. Sự tham gia của học sinh trong các giờ học được tổ chức theo định hướng STEM cũng cho thấy sự hứng thú, tích cực và chủ động hơn. Nhờ đó hiệu quả học tập được nâng cao” bà An cho biết.

Để giáo dục STEM thực sự hiệu quả, bà Phạm Thị Minh An đề nghị cần tiếp tục hỗ trợ đào tạo giáo viên về xây dựng nội dung giáo dục STEM, cách khai thác các chủ đề STEM trong chương trình hiện hành, phương pháp tiếp cận giáo dục STEM. Tập huấn các phương pháp khơi gợi lòng đam mê khoa học, tìm tòi sáng tạo cho học sinh.

Ngoài ra, cần tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, trường đại học, Viện nghiên cứu, trung tâm giáo dục STEM….và các đơn vị bạn. Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học.

Đại diện Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cũng đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hỗ trợ nguồn sách khoa học về STEM cho cả giáo viên và học sinh. Tăng cường đào tạo với chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm về STEM cho giáo viên. Có cơ chế ghi nhận cho giáo viên và học sinh có kĩ năng, kiến thức, đóng góp trong lĩnh vực…

Sau một ngày, Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện nội dung, hình thức của giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

(Trung tâm Truyền thông giáo dục – BGD&ĐT)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *